- Bức tranh thực tiễn của giáo dục Lịch sử, văn hóa Thăng Long- Hà Nội ở các trường Tiểu học trên địa bàn Thủ đô Hà Nội hiện nay:
Để đánh giá về thực trạng giáo dục Lịch sử, văn hóa Thăng Long- Hà Nội ở các trường Tiểu học trên địa bàn Thủ đô Hà Nội hiện nay, tác giả dựa trên chương trình tổng thể giáo dục phổ thông 2018; thông tin từ các bộ sách (Cụ thể: Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống), thông tin trên các trang web và cuộc khảo sát được tiến hành trong trường Tiểu học Tân Hưng, huyện Sóc Sơn trong năm học 2023-2024.
Tổng quan chung về giáo dục Lịch sử, văn hóa Thăng Long- Hà Nội ở các trường Tiểu học trên địa bàn Thủ đô Hà Nội hiện nay cho thấy cơ bản như sau:
Về chương trình, giáo dục Lịch sử, văn hóa Thăng Long- Hà Nội ở các trường Tiểu học trên địa bàn Thủ đô Hà Nội được dạy ở các tiết học chính khóa trong môn Lịch sử và Địa lý lớp 4 (Thời lượng: 4 tiết trong 2 bài : Thiên nhiên và con người ở địa phương em; Lịch sử và văn hóa truyền thống địa phương em) và các khối lớp còn lại được dạy lồng ghép trong các tiết học như Hoạt động trải nghiệm; Hướng dẫn học; Thư viện hay các buổi tuyên truyền, hội thi giới thiệu về Lịch sử, văn hóa Thăng Long- Hà Nội…Như vậy, bản thân tác giả đánh giá thời lượng dành cho giáo dục Lịch sử, văn hóa Thăng Long- Hà Nội ở trường Tiểu học còn chưa nhiều, chưa phân bố thời gian đều giữa các thời điểm trong năm học dẫn đến lượng kiến thức truyền thụ chưa được đa dạng, học sinh tiếp nhận kiến thức chưa được nhiều.
Thứ nhất, về nhận thức của giáo viên và học sinh: Phần lớn giáo viên ở trường Tiểu học là những người yêu nghề, nhận thức được tầm quan trọng của dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, độc lập nhận thức của học sinh. Do vậy, họ biết vận dụng sáng tạo, linh hoạt các hình thức tổ chức, phương pháp/phương tiện dạy học cũng như kiểm tra đánh giá. Các trường tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn, sinh hoạt chuyên đề, hội giảng, viết sáng kiến kinh nghiệm, các cuộc thi tuyên truyền, tìm hiểu lịch sử, văn hóa Thăng Long- Hà Nội... Những hoạt động chuyên môn đó đã góp phần tác động tích cực đến hoạt động dạy học trong môn học. Giáo viên nhận thức đúng đắn về yêu cầu của đổi mới như: cần sử dụng PPDH, phương tiện kĩ thuật hiện đại một cách hiệu quả; tổ chức hoạt động nhận thức tích cực, độc lập của HS và kết hợp đổi mới KTĐG. Tuy nhiên, "những biểu hiện tích cực trên chưa được diễn ra thường xuyên mà chỉ tập trung ở một số tiết học, hay chỉ tập trung vào các kỳ thi, hội thi giảng hoặc các đợt thi, các đợt tuyên truyền chứ chưa thực sự chuyển biến trong từng ý thức của GV và cán bộ quản lý giáo dục".
Về sự hứng thú của học sinh với môn Lịch sử nói chung và với giáo dục Lịch sử, văn hóa Thăng Long- Hà Nội nói riêng: Chỉ có 12,6% học sinh chọn Lịch sử là môn học yêu thích của mình. Như vậy, việc giáo dục Lịch sử, văn hóa Thăng Long- Hà Nội ở các trường Tiểu học trên địa bàn Thủ đô Hà Nội sẽ gặp khó khăn hơn khi thực trạng thực trạng chưa yêu thích là do nhiều nguyên nhân khác nhau như nhiều học sinh cho rằng đây là phân môn khó học với nhiều dấu mốc lịch sử, nhiều sự kiện phải ghi nhớ; một số học sinh cho rằng đây là môn học phụ nên chưa tập trung dẫn đến dạy và học chưa đạt kết quả.
Thứ hai, về phương pháp dạy và học, GV thường chọn phương pháp thuyết trình (70%) kết hợp sử dụng câu hỏi, bài tập (83%), hướng dẫn học sinh phương pháp tự học (60%). Tuy nhiên, việc sử dụng tranh ảnh, bản đồ, sơ đồ, bảng, biểu tổng kết; sử dụng máy tính, máy chiếu hỗ trợ trình chiếu nhằm tăng tính trực quan cho bài dạy hay các hoạt động nhóm, dự án học tập nhằm tăng tính tích cực, chủ động của HS lại chưa được GV lựa chọn triển khai thường xuyên và hiệu quả. Nhiều GV hiếm khi hoặc chưa bao giờ tổ chức trò chơi hoặc dự án học tập cho HS tham gia. Đặc biệt, ở học sinh Tiểu học phương pháp tự học vẫn chưa hiệu quả cao nếu không có sự động viên, nhắc nhở của giáo viên và phụ huynh học sinh.
Thứ ba, về hình thức tổ chức dạy học, nhiều trường đã chú trọng đến việc đa dạng hóa, trong đó ngoài giờ học trên lớp là chính, các trường còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa về Lịch sử địa phương, về các nhân vật, sự kiện lịch sử tiêu biểu... tại bảo tàng, di tích lịch sử. Hoạt động của Câu lạc bộ "Em yêu lịch sử quê hương", các cuộc thi Em yêu lịch sử Hà Nội … tổ chức đã góp phần nâng cao nhận thức và bồi dưỡng tình cảm của học sinh với lịch sử, văn hóa Thăng Long- Hà Nội. Tuy nhiên, vẫn còn không nhỏ bộ phận giáo viên chưa linh hoạt trong hình thức tổ chức
-
Cuộc thi tìm hiểu Lịch sử, văn hóa Thăng Long- Hà Nội 2023 của huyện Sóc Sơn
( Ảnh: Học sinh trường Tiểu học Tân Hưng)
- Giải pháp cho thực tại
Giải pháp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam, đặc biệt là việc triển khai đổi mới chương trình, SGK phổ thông nói chung, môn Lịch sử nói riêng và giáo dục Lịch sử, văn hóa Thăng Long- Hà Nội ở các trường Tiểu học trên địa bàn Thủ đô Hà Nội hiện nay đặt ra những thách thức và để đạt hiệu quả cần có những điều kiện triển khai đồng bộ như: sự tham gia của một lực lượng chuyên gia; công tác tập huấn đội ngũ giáo viên có thể dạy học theo hướng tích hợp, phân hóa và phát triển năng lực của người học. Các điều kiện khác như: Đầu tư thiết bị, phương tiện dạy học và các tài liệu tham khảo phù hợp; Phân phối chương trình môn học mềm dẻo, hợp lý, đặc biệt chú ý tăng cường thực hành, dành thời lượng hợp lý cho ôn tập, tự học; thời lượng cho giờ học ngoại khóa tại di tích lịch sử, bảo tàng… cũng được đặt ra một cách cấp thiết.
2.1. Công tác tập huấn đội ngũ giáo viên
2.2. Phân phối chương trình, tích hợp lồng ghép với các môn học mềm dẻo, hợp lý
2.3. Tăng cường thực hành, dành thời lượng hợp lý cho ôn tập, tự học
2.4. Thời lượng cho giờ học ngoại khóa tại di tích lịch sử, bảo tàng…
2.5. Một số phương pháp dạy học nâng cao chất lượng giáo dục Lịch sử, văn hóa Thăng Long- Hà Nội trong trường Tiểu học:
Nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh trong học tập, giáo viên cần là người tổ chức, chỉ đạo, điều khiển các hoạt động học tập của học sinh. Giáo viên cần tạo điều kiện để học sinh trở thành chủ thể của hoạt động nhận thức. Học sinh phải thực sự hoạt động để đạt được kiến thức, kĩ năng của môn học, nhất là tiếp thu được cách học, rèn luyện thói quen và khả năng tự học. Để làm được điều đó, giáo viên cần sử dụng các PPDH truyền thống và tăng cường sử dụng các PPDH tích cực:
- Phương pháp trực quan
Dạy học trực quan là PPDH mà giáo viên sửu dụng những phương tiện trực quan, phương tiện kĩ thuật để tổ chức bài học. Nguyên tắc trực quan là một trong những nguyên tắc cơ bản cuat lí luận dạy học nhằm tạo cho học sinh những biểu tượng và hình thành các khái niệm trên cơ sở trực tiếp quan sát hiện vật đang học hay đồ dùng trực quan minh họa sự vật.
Trong dạy học Lịch sử, văn hóa Thăng Long- Hà Nội trong trường Tiểu học, cần sử dụng nhiều loại phương tiện trực quan khác nhau như: bản đồ, lược đồ, biểu đồ, tranh ảnh, mô hình,… và các loại phương tiện kĩ thuật hiện đại như: phim điện ảnh, video,…tác động tới tất cả các giác quan học sinh.
Khi áp dụng phương pháp này vào quá trình giáo dục Lịch sử và văn hóa Thăng Long- Hà Nội cho học sinh Tiểu học, giáo viên cần căn cứ vào nội dung, yêu cầu giáo dục để lựa chọn phương tiện trực quan thích hợp; có phương pháp thích hợp đối với việc sử dụng mỗi loại phương tiện trực quan; đảm bảo được sự quan sát đầy đủ đồ dùng trực quan của học sinh.
- Phương pháp kể chuyện
Phương pháp kể chuyện là phương pháp dùng lời nói trình bày một cách sinh động, có hình ảnh và truyền cảm hứng đến người nghe về một nhân vật, sự kiện lịch sử, một sự vật, một vùng đất,…để qua đó hình thành biểu tượng hoặc một khái niệm.
Có các hình thức kể chuyện như:
+ Giáo viên trực tiếp kể chuyện, thông qua đó cung cấp thông tin bài học.
+ Học sinh tham giá kể chuyện sau khi đã tìm hiểu bài học, đối thoại để hiểu tình tiết chủ yếu của bài học hoặc đọc thêm tài liệu.
+ Kể chuyện kết hợp các phương pháp nghe nhìn, dưới dạng dẫn chuyện hoặc thuyết minh.
+ Kể chuyện có thể xen kẽ với các nội dung khoa học khi học sinh đang tìm hiểu các chủ đề.
Khi sử dụng phương pháp kể chuyện, giáo viên cần lưu ý:
+ Tái hiện quá khứ đúng như nó tồn tại, tôn trọng tính chân thực của lịch sử, địa lý, văn hóa Thăng Long- Hà Nội/
+ Kể chuyện là sự sao chép sáng tạo nên cần tránh cho học sinh học thuộc lòng từng câu, từng chữ rồi đọc lại. Học sinh kể bằng ngôn ngữ của mình và GV cần hướng dẫn, bồi dưỡng kì năng kể chuyện cho HS.
+ Thời gian kể chuyện không nên quá dài, dành thời gian cho HS làm việc với tư liệu,…
- Phương pháp đóng vai
Phương pháp đóng vai là cách tổ chức cho HS tham gia giải quyết một tình huống của nội dung học tập gắn liền với thực tế cuộc sống bằng cách diễn xuất một cách ngẫu hứng, có thể không dùng kịch bản hoặc luyện tập trước.
GV cần lựa chọn tình huống đóng vai phù hợp với chủ đề bài học, phù hợp với lứa tuổi, trình độ HS; tình huống không nên quá dài và phức tạp; tình huống phải có nhiều cách giải quyết và mở để HS tự tìm cách giải quyết, ứng xử cho phù hợp. Đồng thời, phải dành thời gian phù hợp cho HS thảo luận và xây dựng kịch bản, với mỗi tình huống có thể phân công một hoặc nhiều nhóm cùng thực hiện.
- Phương pháp sưu tầm tài liệu:
Tổ chức cho HS sưu tầm tài liệu là hoạt động tìm hiểu, sưu tầm, khai thác thông tin từ các nguồn tư liệu khác nhau của HS nhằm giải quyết những nhiệm vụ học tập được giao. Đây là một trong những phương pháp dạy học nhằm phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo trong lĩnh hội tri thức, tìm tòi và khám phá của HS.
Nhiệm vụ giao cho HS sưu tầm tư liệu phải là những vấn đề quan trọng, mấu chốt và cần căn cứ vào điệu kiện thực tế của địa phương. GV nên khuến khích HS sử dụng các công cụ hiện đại để thực hiện nhiệm vụ: mạng xã hội, máy ảnh,…
- Dạy học dự án
Bản chất của dạy học dự án là HS thực hiện một nhiệm vụ học tập phức hợp, có sự kết hợp giữa lí thuyết và thực hành, thực tiễn. HS thực hiện nhiệm vụ với tính độc lập cao trong quá trình học tập, từ xác định mục đích, lập kế hoạch đến việc thực hiện dự án, thu thập thông tin, phân tích dữ liệu, kiểm tra, điều chỉnh để đưa ra một sản phẩm sau buổi trải nghiệm.
Để thực hiện dạy học theo dự án có kết quả, cần có những yếu tố cơ bản:
+ Số lượng: HS được chia thành các nhóm, thành viên trong từng nhóm có thể từ 4-8HS với các khả năng khác nhau.
+ Thời gian thực hiện: có thể ngắn hoặc dài tùy thuộc vào nội dung chủ đề.
+ Kết quả: có thể là báo cáo sản phẩm hoặc tiểu phẩm.
+ Hình thức trình bày: có thể là bằng power point, bài viết, đóng kịch, tổ chức hội chợ,…
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Chương trình tổng thể Giáo dục phổ thông 2018
- Sách giáo khoa, sách giáo viên Lịch sử và địa lý lớp 4 ( Bộ sạc kết nối tri thức với cuộc sống)
- Lê Ngọc Trà, Viện Nghiên cứu Giáo dục Trường Đại học Sư phạm Tp HCM "Một số vấn đề của giáo dục Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa".